Ngành Giáo dục Thanh Hóa trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19

Đăng lúc: 08:24:40 09/03/2020 (GMT+7)

 1. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian học sinh nghỉ học
Ngay từ ngày đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã nhận định mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, và xác định cuộc chống dịch Covid-19 lần này như một cuộc chiến. Ngành Giáo dục Thanh Hóa nhanh chóng, kịp thời phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW (30/01/2020); chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg (28/01/2020), số 06/CT-TTg (31/01/2020, Công điện số 121/CĐ-TTg (23/01/2020); các chỉ đạo của Bộ Y tế và quy định của pháp luật có liên quan; Công văn hỏa tốc số 269/BGDĐT-GDTC (03/02/2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 179/SYT-VP (03/02/2020) của Sở Y tế Thanh Hóa về việc cung cấp thông tin thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị số 03/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa,
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (Sở GDĐT) nhanh chóng triển khai, chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống giáo dục tỉnh vào cuộc để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị giáo dục, trường học thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; Sở GDĐT cùng các phòng GDĐT, các nhà trường vận dụng linh hoạt sử dụng nhiều loại hình thức như hệ thống liên lạc điện tử Tdoffice, Zalo, mail… để tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về nguyên nhân, tác hại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT, và kịp thời thông tin lịch nghỉ học, hướng dẫn giao và chữa bài tập, hướng dẫn phụ huynh học sinh cách quản lý, hướng dẫn con tự học ở nhà.
Sở GDĐT phối hợp với các ban ngành, Sở Y tế và chính quyền địa phương triển khai các nội dung phòng, chống dịch, cung cấp thuốc, vật tư sát trùng, khử khuẩn; cung cấp ấn phẩm tuyên truyền phòng chống dịch cho các nhà trường. Ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở GDĐT đồng thời thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT (bao gồm cả hệ thống trường công lập và tư thục), trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Qua kiểm tra, các cơ sở giáo dục đều nhận thức đúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch Covid-19, trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng, chống Covid-19 và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một ban chỉ đạo phòng chống dịch, có phân công công việc, trách nhiệm, lịch trực rõ ràng; phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác vệ sinh khử khuẩn, quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh.
Tính đến ngày 29/2, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phun khử khuẩn trường lớp, phòng học, tẩy trùng trang thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em lần 1 (Khối Phòng GDĐT có 27/27 phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành phun thuốc khử trùng tại 100% các trường học trên địa bàn; có 88/88 trường THPT và 02/02 đơn vị trực thuộc Sở; có 24/24 Trung tâm GDNN-GDTX đã tiến hành phun thuốc khử trùng); có hơn 1/2 cơ sở giáo dục đã khử khuẩn lần 2 và có nhiều trường đã khử khuẩn lần 3. Toàn bộ các trường học được trang bị nước rửa tay, xà phòng bánh tại các vị trí bồn rửa tay trong khuôn viên trường; in và niêm yết bảng thông tin hướng dẫn rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế; 100% các trường học trên địa bàn dừng mọi hoạt động dạy học chính khóa, dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; 100% Cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ mầm non, học sinh không có biểu hiện mắc cúm Covid-19.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở GDĐT đã chú trọng khuyến khích các nhà trường tăng cường sự liên hệ giữa giáo viên và học sinh để duy trì nề nếp học tập, hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến, cung cấp môi trường học tập, làm bài tập, theo dõi kết quả học tập cho học sinh tại nhà. Nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức và nhanh chóng bắt kịp với tiến độ học tập sau kỳ nghỉ.
2. Công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại.
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn 568/BGDĐT-GDTrH ngày 27/02/2020; thực hiện, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sở GDĐT ban hành Công văn số 392/SGDĐT-CTTT ngày 28/02/2020 về việc thông báo cho học sinh THPT, học viên GDTX đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường, Sở GDĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đến từng nhà trường; thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế (tại Công văn 914/BYT-MT ngày 26/02/2020) về các nội dung tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp cho học sinh biết cách phòng bệnh (tại Công văn số 180/MT-VP ngày 12-02-2020).
Chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục đã phối kết hợp với Chính quyền địa phương kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, gia đình học sinh tài trợ trang bị thiết bị đo thân nhiệt điện tử tại các trường, điểm trường nhằm phục vụ kiểm tra đo thân nhiệt, khám sàng lọc sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh vào trường. Các nhà trường tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm phòng chống dịch; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn. Các nhà trường cần công khai quy trình và đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch, để phụ huynh an tâm cho con em trở lại học tập. Đồng thời, các nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, giám sát học sinh thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh khi trở lại trường học.
3. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi học sinh đi học trở lại
Trước khi học sinh đến trường, gia đình kiểm tra thân nhiệt cho các em bằng đo thân nhiệt (bảo đảm chỉ đến trường khi sức khỏe bình thường); không cho học sinh đến trường khi có biểu hiện không bình thường về sức khỏe.
Khi học tập ở trường, giáo viên hướng dẫn, theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế: tự theo dõi bản thân (đối với học sinh phổ thông) để phát hiện kịp thời và báo cáo giáo viên khi cảm thấy sức khỏe không bình thường; thường xuyên rửa tay trước khi vào lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thực hành, thí nghiệm, sử dụng sách, vở, học liệu dùng chung; kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường nếu phát hiện có học sinh không bình thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý.
Kết thúc mỗi buổi học, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng quy định; kiểm tra, bổ sung nước sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Các nhà trường phải phối kết hợp với chính quyền địa phương nhằm nắm bắt, kiểm soát chặt những người đến từ vùng dịch, những người có tiếp xúc với người đến từ vùng dịch, và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện các biện pháp y tế xác định học sinh không bị nhiễm bệnh; trường hợp nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly, đảm bảo mềm dẻo nhưng kiên quyết, trên tinh thần đảm bảo công tác cách ly thật tốt, an toàn, không được để lây nhiễm trong khu cách ly./.

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
6743